Thị trường xe cũ đang hạ nhiệt do có quá nhiều xe mới, giá cả phải chăng. Và nếu như bạn không phải dân buôn xe, có kinh nghiệm mua bán xe. Hoặc đơn giản bạn là người dùng đi chọn mua xe về phục vụ nhu cầu đi lại. Vậy bạn nên trang bị những gì?
Tôi sẽ không mách bạn cách chọn các hãng dịch vụ check uy tín hay gì đó, bởi giờ trên mạng ai cũng nói mình uy tín hết. Mặt khác các gara xe cũ kết hợp với thợ soi xe để làm ăn với nhau hay không thì ta cũng không biết. Vì thế tôi sẽ chỉ các bạn check xe theo kinh nghiệm của tôi. Mong các anh em trong nghề đừng chấp kẻ ngoại đạo như tôi nhé 😀
Chúng ta sẽ bắt đầu từng bước từ ngoài vào trong. Các bạn trang bị đồ nghề như tôi trình bày nhé.
Bước 1: Nhìn tổng thể quanh xe xem độ đồng đều về màu sắc, hình dạng.

Đa phần thì các xe tại gara đều được hóa trang tương đối tốt phần này, nếu xe cá nhân bán thì nên soi kỹ phần gầm xem các chi tiết còn nguyên bản hay không, và thay thế thì đã thay thế những gì, những món thay thế có phải là vật tư hao mòn hay không!
Gợi ý: Bạn nên kiểm tra ngay số khung, số máy mỗi khi muốn chọn xem những thứ tiếp theo. Việc số khung số máy đúng và nguyên bản sẽ tạo cho bạn sự an tâm nhất định khi đăng ký lại hay đăng kiểm!
Bước 2: Đo, soi kỹ lớp sơn, bả
Bằng các dụng cụ chuyên dụng, bạn sẽ biết được phần nào của xe đã sơn lại, và việc sơn lại đó đã làm bao nhiêu lần.

Xe nguyên bản của xe là sơn tĩnh điện, độ dày lớp sơn đạt 100 đến 300 Micrômet (1Mimimet = 1000 micromet)

Không thể làm mỏng hơn sơn zin, thế nên đa phần các gara khắc phục sự cố bằng cách gò, bả phẳng xong sơn thêm. Bạn chỉ cần đo rồi so sánh chiều dày sơn bả nguyên bản là sẽ biết phần nào của xe đang bị sửa chữa, khắc phục…
Bước 3: Kiểm tra tem kính
Kính hãng nguyên bản sẽ cùng chung một loại tem, các bạn có thể check tem dán ở các kính để phát hiện ra có phải tai nạn thay kính hay không

Bước 4: Khe hở giữa các bộ phận
Nhìn bằng cảm quan, kiểm tra khe hở giữa:
- Nắp capo và hai đèn, calăng, tai xe
- Cánh cửa và khung cánh cửa
- Kính chắn gió, kính hậu và khung đỡ
- Các ốp theo xe

Việc khe hở không đồng đều giữa các chi tiết cũng thể hiện xe đã bị gia công lại.
Bước 5. Kiểm tra hình dạng các lỗ thoát nước phần sắt xi
Về nguyên bản các nhà sản xuất khoan lỗ tròn, lỗ ô van với các kích thước khác nhau, một phần để tăng tính thẩm mỹ, phần khác để cân bằng trọng lượng. Vị trí các lỗ cũng được tính toán để đạt hiệu quả thoát nước, thoát khí tốt nhất.

Hãy kiểm tra kỹ các lỗ này, nếu xe làm lại sẽ chỉ là các lỗ khoan tròn chẳng hạn.
Bước 6: Sùng chỉ – Keo chỉ
Keo chỉ thường được nhà sản suất chạy sau khâu hoàn thiện uốn mép các bộ phận. Nó có 2 tác dụng: Ngăn nước và chống tràn. Keo chỉ hay còn gọi là Sùng chỉ được chạy ở các mép nắp capo, mép cánh cửa…

Việc kiểm tra keo này sẽ cho bạn biết các bộ phận đã được chạy keo lại hay chưa, đó cũng là cách đơn giản kiểm tra các bộ phận đã bị sửa chữa.
Bước 7: Check Bulong các bộ phận
Món này chắc mình không cần chỉ các bạn nhiều. Bạn chỉ cần biết dấu hiệu Bulong nào bị tháo như sau:
- Tróc sơn hoặc đã phủ sơn lên toàn bộ bulong
- Nát mép, cạnh bulong
- Han rỉ (xuất hiện khi bị thay các bulong kém chất lượng

Các bộ phận cần kiểm tra
- Bản lề Capo
- Bản lề các cánh cửa
- Bulong ghế
Bước 8: Kiểm tra khoang máy

Bạn nên kiểm tra mỗi khi muốn mua xe cũ:
- Sạch và nguyên bản không
- Có dấu hiệu của chuột không
- Các bulong khoang máy thường được đánh dấu cân lực
Bước 9: Kiểm tra lốp xe:
Bạn nên có đèn và vệ sinh lốp trước khi kiểm tra theo hình sau nhé:

Lốp sẽ bị mòn dần theo việc di chuyển. Bạn nên kiểm tra:
- Thương hiệu lốp có nguyên bản theo xe hay đã bị thay thế bởi hãng khác
- Lốp đã quá mòn hay chưa, tránh việc mua xe mà phải đi thay lốp ngay sau đó
- Lốp chất lượng còn tốt hay không, nứt dọc ngang, phồng rộp hay rách má hay không!
Bạn sẽ tiết kiệm được khoản tiền thay lốp tương đối lớn khi chọn mua xe mà giữ được các quả lốp đó nha.
Bước 10: Nổ thử xem máy
Lắng nghe tiếng đề máy sẽ giúp người mua phần nào phán đoán được tình trạng động cơ. Hãy nổ máy xe và đứng gần khoang máy để lắng nghe.
Theo kinh nghiệm kiểm tra ô tô cũ, nếu tiếng máy nổ đều và êm tai thì có thể yên tâm vì đó là dấu hiệu cho biết động cơ vẫn hoạt động tốt.
Thông thường xe nổ máy không tải ở tốc độ khoảng 750-800rpm (trên đồng hồ tablo có hiển thị), Khi di chuyển trên đường tầm 60km (1000rpm), 80km/h (1200rpm), 100km.h (1500rpm), 120km/h (1800rpm). Bạn có thể đi trên đường để test động cơ và nhiệt độ động cơ báo trên đồng hồ tablo.

Ngược lại, nếu tiếng nổ máy to bất thường, có những tiếng rít, tiếng rè hoặc các âm thanh lạ khác kèm theo độ rung mạnh thì rất có thể động cơ đang gặp vấn đề.
Một cách kiểm tra máy xe ô tô cũ hay đó là kiểm tra nhiệt độ động cơ. Đầu tiên hãy đề cho xe nổ máy khoảng 5 phút. Sau đó chạm tay vào các vị trí an toàn trên động cơ. Nếu sau 5 phút động cơ không quá nóng thì hệ thống động cơ – làm mát hoạt động bình thường. Ngược lại nếu nổ máy được khoảng 2 – 5 phút mà động cơ đã nóng rang, không thể chạm tay được thì chứng tỏ động cơ gặp vấn đề.
Với các dòng xe máy dầu, việc kiểm tra hơi thừa sẽ dễ dàng hơn. Bởi máy thường chạy mạnh, luồng hơi thừa nhiều nên dễ cảm nhận. Để kiểm tra hơi thừa chỉ cần để máy chạy, mở nắp dầu động cơ và đặt tay lên miệng nắp. Nếu thấy hơi đẩy lên tay không có vương các luồng khói đen thì có nghĩa là máy xe vẫn ổn.
Với xe động cơ Diesel, nếu thấy khí xả có màu đen, nâu sẫm, xanh nhạt, trắng… thì động cơ đang có vấn đề, còn màu nâu nhạt là động cơ đang hoạt động tốt. Với xe động cơ xăng, khí xả màu trắng, màu xanh đen/đen… cũng là các dấu hiệu cho biết động cơ đang gặp vấn đề. Khí xả không màu hoặc màu xanh nhạt là động cơ làm việc tốt.