Nhiều cha mẹ luôn thắc mắc, vì sao con mình béo thế, ăn ít vẫn béo…. Mà béo lại còn dậy thì sớm nữa. Chắc đa số trong số đó đều chưa nắm được các kiến thức mà NguyetKim chia sẻ dưới đây.

1. BÉO PHÌ VÀ NGUYÊN NHÂN BÉO PHÌ?
“Béo phì được định nghĩa là sự tích lũy mỡ quá mức hoặc không bình thường (cục bộ hay toàn cơ thể), gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”. (WHO)
Bài viết này sẽ không chú trọng vào việc tính toán chỉ số béo phì thế nào, giờ các bạn đều có đủ các công cụ hỗ trợ rồi: cân thông minh, điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh…
1.1 Nguyên nhân chủ quan dẫn đến bệnh béo phì của trẻ

Năng lượng được sinh ra từ các món ăn hằng ngày của trẻ hoặc các món ăn vặt là tương đối lớn. Các bậc phụ huynh thường có tâm lý thương con học hành vất vả nọ kia mà cố nhồi nhét cho con, xong thấy con mệt không cho con tập thể dục, vận động…. thành ra trẻ bị tích năng lượng trở thành dư thừa calo dẫn đến béo phì.
1.2 Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan sau:
– Do suy giáp trạng: béo toàn thân, thấp lùn, da khô và thiểu năng trí tuệ.
– Do cường năng tuyến thượng thận: gây béo bụng, da đỏ và có vết rạn, huyết áp cao và nhiều trứng cá.
– Do thiểu năng sinh dục: Thường gặp trong các hội chứng như Prader-Willi, Lorence Moon Biel
– Do các bệnh về não: Do các tổn thương vùng dưới đồi, di chứng viêm não. Trẻ bị béo phì và kèm theo là thiểu năng trí tuệ hoặc các triệu chứng thần kinh khu trú.
– Do dùng thuốc: Điều trị các bệnh hen, khớp, thận hư … bằng cách uống Corticoid kéo dài sẽ dẫn đến béo phì.
2. Bệnh dậy thì sớm
Những trẻ dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai được coi là dậy thì sớm. Mình gọi đây là bệnh vì hiện tượng này gây nhiều hệ lụy cho các bé.

Khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì thì cơ thể các bé sẽ có những thay đổi rất đặc trưng và dễ nhận biết. Trước hết, tuyến vú của trẻ sẽ phát triển kéo dài trong khoảng một vài năm. Sau đó, mới bắt đầu xuất hiện những biểu hiện khác như xuất hiện mụn trứng cá, kinh nguyệt đối với các bé gái, và ở các bé trai là xuất tinh.
3. Liên hệ giữa béo phì và dậy thì sớm
Vào năm 1965, có 5% trẻ em trong độ tuổi từ 6-11 tuổi béo phì dậy thì sớm thì đến năm 2000, tỷ lệ này đã lên tới 12%.
Thống kê trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2021, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chẩn đoán 694 trẻ dậy thì sớm, trong đó có 21 bé trai (tỷ lệ 3%) và 673 bé gái (tỷ lệ 97%).
Theo các nghiên cứu y tế, sở dĩ trẻ dậy thì sớm là do một loại hormon – kích thích tố có tên leptin. Leptin tiết ra từ các tế bào chất béo, nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn và chức năng sinh sản của con người. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khi một đứa trẻ có đủ leptin trong cơ thể đó là lúc tuổi dậy thì bắt đầu. Vì vậy những bé gái thừa cân, béo phì, có nồng độ leptin cao sẽ dễ bị dậy thì sớm hơn.

Trẻ dậy thì sớm có thể hạn chế phát triển chiều cao, rối loạn tâm lý ở cả bố mẹ và trẻ. Nhiều nghiên cứu cũng cho biết trẻ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục và mãn kinh sớm do dậy thì sớm.
4. Một số biện pháp phòng ngừa
Bố mẹ nên có những biện pháp để giúp con có thể chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ dậy thì sớm như sau:
Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên cho trẻ, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất.

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng của con, nên đảm bảo trẻ được ăn đầy đủ dinh dưỡng để phát triển, không nên ăn quá nhiều nhưng cũng không nên ăn quá ít.
Lựa chọn những thực phẩm lành mạnh cho trẻ chẳng hạn như chất xơ, vitamin và các loại khoáng chất,… tránh các thực phẩm có chứa nhiều chất béo và đồ ăn chế biến sẵn.
Không nên cho con tiêu thụ các loại thuốc, thực phẩm có chứa những thành phần liên quan đến hormone sinh dục.
Nếu trẻ xuất hiện những hiện tượng dậy thì sớm thì bố mẹ nên cho con đi khám để nhận được tư vấn của bác sĩ, bảo vệ sức khỏe kịp thời cho con.